Hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với thực phẩm bẩn” và để đáp ứng nhu cầu thị trường về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn cũng như góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về chuyển đổi hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đảm bảo VSATTP góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch. Từ năm 2016, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường tăng cao bởi nguồn thực phẩm hàng ngày không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng lo ngại, chi hội phụ nữ xóm Vò Rài đã bàn nhau thành lập nhóm trồng rau an toàn sinh học để cung ứng cho thị trường. Được sự chỉ đạo sát sao của Hội phụ nữ, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đầu tư của Công ty Khoáng sản và Thương mại Tiến Hiếu, các chị đã được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được cung cấp vật tự, phân bón đầy đủ, kịp thời. Sau khi thống nhất phương thức, cách làm, 23 hộ hội viên đã triển khai trồng rau trên diện tích 1 ha với phương châm “Sản xuất rau phải thực sự an toàn”.Từ đó đến nay, theo từng mùa vụ, các thành viên trong nhóm tiến hành trồng rau hữu cơ đạt hiệu quả cao, luôn duy trì được rau cung ứng cho thị trường theo mùa.
Theo chị Hằng, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ xóm Vò Rài, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn sinh học xã Hồng Việt: Trồng rau an toàn sinh học đem lại nhiều lợi ích thiết thực vì việc không sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất rau cũng giúp bảo vệ sức khỏe của người trồng rau và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. So với trồng lúa và trồng rau trước kia, mô hình rau an toàn đạt hiệu quả cao hơn. Như gia đình chị Hằng, từ ít diện tích thử nghiệm, đến nay chị đã mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 350m2. Mỗi vụ sản xuất trừ đi các chi phí, cho thu nhập từ 7-8 triệu đồng/1 hộ. Mô hình rau an toàn sinh học của nhóm hội viên chi hội phụ nữ xóm Vò Rài là mô hình rất đáng được quan tâm nhân rộng ra các vùng trồng rau khác trong huyện. Tham gia mô hình Trồng rau an toàn đã giúp các chị cải thiện kinh tế gia đình, xây dựng tinh thần đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau, và đặc biệt các chị đã thực hiện tốt việc chuyển đổi hành vi thực hiện sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng thực phẩm an toàn gắn với cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam; tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.