Xác định nâng cao nhận thức về BĐG là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, huyện Trùng Khánh chủ động tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác BĐG, phụ nữ. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) các cấp chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về các nội dung hoạt động BĐG, VSTBCPN; in ấn, phát tờ rơi, tài liệu, lắp pano, tuyên truyền lồng ghép cho hàng nghìn lượt người nghe. Trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, công chức được tuyên truyền, giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trên 95% cán bộ lãnh đạo, quản lý được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đánh giá được tầm quan trọng của sự phối hợp, các cơ quan, đơn vị trong Ban VSTBCPN huyện tăng cường phối hợp liên ngành tuyên truyền, đưa tin về BĐG trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là đưa tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật; phối hợp điều tra, khảo sát thực trạng tình hình và nguyên nhân xảy ra bạo lực gia đình, đề xuất các giải pháp trọng tâm trong phát hiện sớm, can thiệp, xử lý các vụ bạo lực gia đình có dấu hiệu vi phạp pháp luật; phối hợp trong đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ ở nông thôn…
Công tác quy hoạch, tạo nguồn đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Các cơ quan, đơn vị tham mưu xây dựng công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ đáp ứng đủ trình độ, năng lực để bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp từng bước được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp và các cơ quan chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện tăng từ 15% (nhiệm kỳ 2015 - 2020) lên 16% (nhiệm kỳ 2020 - 2025); cấp xã từ 19% (2015 - 2020) lên 24,3% (2020 - 2025). Tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND cấp huyện từ 20,3% lên 22,2% (nhiệm kỳ 2021 - 2026); cấp xã đạt từ 21% (2016 - 2020) lên 25,7% (2021 - 2026).
Huyện xây dựng, ban hành các đề án, chương trình trang bị kiến thức sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho lực lượng lao động nữ, hỗ trợ vốn sản xuất để lao động nữ tự tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập và giá trị kinh tế của sản phẩm hàng hóa ở khu vực nông thôn, đồng thời góp phần giảm nghèo bền vững. Ưu tiên cho lao động nữ được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, được tham gia các chương trình tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Các phòng, đơn vị chuyên môn mở các lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh doanh... thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Trong những năm qua, huyện mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, thu hút trên 1.400 học viên tham dự, trong đó tỷ lệ lao động nữ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ thuật chiếm 58,5% so với tổng số lao động được đào tạo.
Các cơ quan, đơn vị đưa chỉ tiêu cơ cấu về giới trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia các lớp học nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ; trên 98% nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn biết chữ. Hệ thống y tế được hoàn thiện và đổi mới, phát triển mạng lưới tư vấn sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế; tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở y tế để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ; 100% trạm y tế xã, thị trấn có cán bộ phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và có nữ hộ sinh. Các chính sách về bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đều được triển khai thực hiện, 100% phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được tư vấn tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Giảm thiểu tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản và tỷ lệ nạo phá thai; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được tăng lên.
Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trùng Khánh Lý Văn Hoan cho biết: Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG và VSTBCPN, công tác BĐG và VSTBCPN của huyện Trùng Khánh đạt được những kết quả nhất định, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về BĐG và VSTBCPN được nâng lên, đặc biệt là nhận thức, sự tự tin của chính bản thân người phụ nữ. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện lồng ghép các nội dung BĐG trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hằng năm. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BĐG nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân đóng góp nguồn lực trong thực hiện công tác BĐG nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư, nhất là các mô hình, câu lạc bộ thúc đẩy BĐG.
Tác giả bài viết: Dạ Đăng - Báo Cao Bằng điện tử
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn