Tham gia Cuộc thi có 13 đội thi đến từ 13/13 xã/thị trấn trên địa bàn huyện. Mỗi thí sinh đều thể hiện đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của mình để tạo ra những quả còn nhiều sắc màu. Từ xa xưa, trong văn hoá người Tày, quả còn tượng trưng cho may mắn, tài lộc, cho hồn núi, hồn sông, hồn đất và hồn nước. Chính vì vậy, ngay từ trước lễ hội ném còn, các cô gái khéo tay đã chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép nối với nhau. Bên trong quả còn, họ nhồi hạt thóc, hạt ngô, hạt đỗ. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc ngô nuôi sống con người. Thường quả còn có khoảng 4 - 8 múi, họ còn may thêm các tua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng quả còn khi bay. Các tua rua này còn biểu trưng cho những tia nắng, tia mưa cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức Lễ hội đã trao 01 Giải Nhất cho đơn vị xã Lý Quốc, 02 Giải Nhì cho xã Kim Loan và An Lạc, trao 03 Giải Ba và 07 Giải Khuyến khích với số tiền giải thưởng 5.300.000đ. Thông qua cuộc thi, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, tạo không khí thi đua sôi nổi, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân ngay từ những ngày đầu xuân năm mới, tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và các phong trào thi đua. Cũng như giáo dục, tuyên truyền những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng nói chung và ý nghĩa của việc tổ chức Lễ hội Chùa Sùng Phúc đầu năm nói riêng, cũng như là ý nghĩa, nét đẹp của trò chơi tung còn trong lễ hội “Lồng tồng”, đồng thời tôn vinh các giá trị của di sản văn hóa dân tộc.