Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng

https://phunu.caobang.gov.vn


Tiếp tục đẩy mạnh công tác Phụ nữ trong tình hình mới tại huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng

        Từ xưa đến nay, phụ nữ bao giờ cũng là một lực lượng quan trọng và đông đảo của xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21 – CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư (Khóa XII), về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phụ nữ trong tình hình mới.
      Cùng với phụ nữ Việt Nam nói chung, tại tỉnh Cao Bằng, phụ nữ huyện Hạ Lang với nhiều hành động cụ thể, qua đó từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình. Hiện nay Hội LHPN Hạ Lang có 14 cơ sở Hội với 98 chi hội phụ nữ,trong đó có 97 chi hội, tổng số hội viên là 4.400 hội viên. Hội viên là dân tộc Tày và dân tộc Nùng chiếm đa số (dân tộc Tày 1.865 hội viên; dân tộc Nùng 2.413 hội viên; các dân tộc khác 30 hội viên). Đời sống của hội viên phụ nữ nhìn chung cơ bản ổn định, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực học tập, thi đua lao động sản xuất, thực hiện phong trào thi đua gắn với các cuộc vận động của Hội, của địa phương.
          Hội chủ động tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền Chỉ thị 21-CT/TW, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về công tác phụ nữ và bình đẳng giới bằng nhiều hình thức như: thông qua các hội nghị họp khu dân cư, hội nghị BCH mở rộng, sinh hoạt chi bộ, chi hội, tổ, sinh hoạt câu lạc bộ, các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở,… gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. 
          Hàng năm, Hội LHPN huyện bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy chính quyền và hội LHPN cấp trên, ban hành các kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo Hội LHPN cơ sở thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm từng bước bảo đảm bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; lồng ghép vấn đề giới, bình đẳng giới trong việc xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hội phụ nữ xây dựng các chương trình phối hợp hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ; tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện.
          Trong lĩnh vực chính trị: Đội ngũ cán bộ nữ, công chức, viên chức, người lao động, nữ đảng viên luôn phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Ban Thường vụ ngày càng tăng.
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động: Phụ nữ phát huy vai trò làm chủ, tích cực tham gia phát triển kinh tế. Nhiều đồng chí năng động trong tiếp cận thông tin, không ngừng sáng tạo,  tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế của huyện.
Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin: Phụ nữ là nhân tố tích cực trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và quê hương, phụ nữ tích cực thực hiện phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng, giữ gìn, bảo vệ các thiết chế văn hóa, công trình thể thao góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đến nay, có 100% khu đều có nhà văn hóa, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 89%.
       Trong lĩnh vực Y tế: Nhiều đồng chí đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua "Phụ nữ ngành Y tế giỏi việc nước, đảm việc nhà", Đội ngũ nữ là những nhân tố quan trọng trong đóng góp tích cực vào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong huyện.
       Trong gia đình: Phụ nữ luôn là điểm tựa tinh thần, gắn kết các thành viên, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững. Cùng với việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, lao động, công tác, chị em còn chăm lo nuôi dạy con tốt, bảo vệ hạnh phúc gia đình, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.
Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc văn minh được thực hiện khá toàn diện và mang lại hiệu quả thiết thực.
       Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển phụ nữ trong tinh hình mới tại huyện Hạ Lang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Đối với một số đoàn thể cơ sở, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ có lúc, có việc chưa sâu sát, chưa kịp thời. Một số Hội phụ nữ cơ sở chưa tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; vai trò của một số Hội cơ sở còn hạn chế khi tham gia phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Cuộc sống hội viên phụ nữ còn nhiều khó khăn, tình trang hội viên phụ nữ đi làm ăn tại các công ty, không tập trung phát triển kinh tế tại địa phương nên gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động và triển khai các hoạt động của Hội.
       Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21-CT/TW, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp là: tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác phụ nữ; Hội liên hiệp phụ nữ các cấp tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu giúp cấp ủy đảng về công tác phụ nữ, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ.
       Trên đây là một số kết quả tại huyện Hạ Lang trong 05 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư (Khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Từ thực tiễn trên, giảng viên có thể vận dụng linh hoạt trong giảng dạy nhiều chuyên đề trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. Đó có thể là ví dụ để chứng minh vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; là nội dung minh họa về nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương đang qua tâm và thực hiện có hiệu quả quyền bình đẳng giới của người phụ nữ khi giảng dạy các chuyên đề về Nhà nước và pháp luật. Đặc biệt, đây là những số liệu quan trọng để giảng dạy chuyên đề “Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và bình đăng giới” (Phần CIII. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội); qua đó làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.
       Tìm hiểu và vận dụng kết quả thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư (Khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; giúp cho giảng viên nâng cao nhận thức; tích cực trau dồi kiến thức, năng lực giảng dạy, đi sâu nắm bắt thực tiễn, đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị./.

 

Tác giả bài viết: ThS. Đoàn Thị Kim Liên - Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây