Tham dự Chương trình làm việc có bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức TW; ông Phạm Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo một số vụ thuộc Văn phòng Quốc hội.
Về phía Hội LHPN Việt Nam có bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cùng lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan TW Hội.
Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo
đã báo cáo nhanh về tình hình tư tưởng, đời sống các tầng lớp phụ nữ thời gian qua, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống. Trong đó nhiều trẻ em bị mồ côi cha/mẹ; nhiều người mất việc, không có thu nhập; nhiều gia đình khó khăn không có điều kiện trang bị đầy đủ thiết bị cho con học trực tuyến, một số cán bộ Hội đã mất và lây nhiễm trong quá trình tham gia phòng, chống dịch tại địa phương.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các cấp Hội nỗ lực, quyết tâm tổ chức thành công Đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đảm bảo tiến độ, chất lượng, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Về công tác chuẩn bị Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam chia sẻ những nội dung, công việc cơ bản hoàn thành cho ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước sẽ diễn ra ngày 9 đến 11/3 tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu. Ảnh H.H
Nhấn mạnh sự tham gia Hội LHPN Việt Nam với công tác lập pháp, giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam kiến nghị Quốc hội quan tâm, ủng hộ lĩnh vực bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và tạo điều kiện để các tổ chức đại diện thành viên đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội được đăng ký thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô cho thành viên.
Đồng thời có quy định về Tổng đài quốc gia tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; thí điểm thành lập và vận hành Trung tâm liên ngành bảo vệ khẩn cấp phụ nữ bị bạo lực giới, trẻ em bị xâm hại và trách nhiệm, vai trò của tổ chức Hội trong quá trình sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình (được Quốc hội đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 3 - khóa XV, tháng 5/2022).
Đồng thời đề nghị Quốc hội đưa vấn đề bình đẳng giới theo chuyên đề, theo lĩnh vực trong các nội dung giám sát của Quốc hội; trong thời gian tới đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người dễ bị tổn thương (trong đó có phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi…) có hoàn cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19...
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, phát biểu. Ảnh: H.H
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đánh giá cao những kết quả của Hội LHPN Việt Nam đã được thời gian qua; trong đó nổi bật là những đóng góp cho sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời các phong trào, cuộc vận động của Hội tác động rất thiết thực tới đời sống của chị em phụ nữ.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong hoàn cảnh nào, Hội phụ nữ các cấp cũng luôn tiên phong, khuyến khích, động viên tinh thần của toàn thể các nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên cả nước nêu cao đức tính tốt đẹp, phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam.
Trong thời gian tới, theo ông Trần Thanh Mẫn, Quốc hội có nhiều dự án luật quan trọng cần sửa đổi như Dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Những luật này liên quan đến phúc lợi xã hội, quyền và lợi ích của người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà lưu niệm cho Hội LHPN Việt Nam. Ảnh H.H
Qua đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Hội LHPN Việt Nam chủ động, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong tổ chức các hội thảo, hội nghị phản biện xã hội, tham vấn lồng ghép giới trong xây dựng luật pháp, chính sách.
Kịp thời phản ánh kiến nghị của cử tri tới Quốc hội; tham gia các đoàn giám sát việc thực thi chính sách, khảo sát của Quốc hội, phát hiện những hạn chế, bất cập và đánh giá tác động của các dự án luật, pháp lệnh đối với các nhóm đối tượng để bảo đảm luật pháp được xây dựng thiết thực, khả thi hơn.