Bình đẳng giới đang là một vấn đề đặc biệt quan trọng và là một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong thời kỳ đổi mới. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần đến sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là hết sức cần thiết. Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, là mục tiêu của sự phát triển và là yếu tố hỗ trợ, nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nguyên Bình có 18 cơ sở Hội. Trong đó, có 17 cơ sở Hội xã, thị trấn và 01 Hội phụ nữ công an huyện. Có 119 Chi hội được thành lập theo đơn vị hành chính trong huyện. Tổng số hội viên đến tháng 12 năm 2024 là 6.829 hội viên, trong đó, hội viên dân tộc Dao và dân tộc Tày chiếm đa số; cụ thể hội viên dân tộc Dao có 3.435 người, chiếm 50,3 %; hội viên dân tộc Tày có 1.657 người, chiếm 24,27%; hội viên dân tộc Nùng có 790 người, chiếm 11,6%; hội viên dân tộc Mông có 693 người, chiếm 10,2 %; hội viên dân tộc có Kinh có 232 người, chiếm 3,4 %; hội viên các dân tộc khác có 22 người, chiếm 0,32%. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nguyên Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như dần xóa bỏ định kiến về giới, hủ tục có hại cho phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn huyện. Trọng tâm là tuyên truyền, vận động xã hội thực hiện Dự án 8 về “Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.
Thời gian vừa qua, thực hiện theo chỉ đạo của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Nguyên Bình đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về thực hiện bình đẳng giới. Tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện bình đẳng giới, như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai Thông báo Kết luận số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới; Tuyên truyền các văn bản Quy phạm pháp luật về bình đẳng giới như: Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Các Luật có liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em…Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Nguyên Bình cũng đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-BTV ngày 22/4/2024 về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vân đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn, củng cố năng lực triển khai, vận hành mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng với sự tham gia của các đồng chí Chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN các xã, thị trấn và 45 thành viên các thành viên Địa chỉ tin cậy cộng đồng. Hội Liên hiệp phụ nữ huyên Nguyên Bình đã tổ chức thành công Hội thi sân khấu hóa "Mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới" với sự tham gia của 17/17 xã, thị trấn. Cuộc thi cũng là hình thức tuyên truyền rất hiệu quả về bình đẳng giới với những tình huống trong đời sống gia đình, xã hội bị trói buộc bởi định kiến giới, khuôn mẫu giới đã làm hạn chế, kìm hãm vai trò, quyền năng của phụ nữ và trẻ em dẫn tới nhiều hệ lụy trong gia đình, xã hội. Từ đó, đưa ra thông điệp, cần phải xóa bỏ định kiến giới, khuân mẫu giới, tập tục lạc hậu có hại, thực hiện bình đẳng giới xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc gia đình, xã hội tiến bộ, văn minh. Kết quả Ban tổ chức Hội thi trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 11 giải Khuyến khích và 03 giải phụ cho các đội thi; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng với 347 người tham dự; tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách với chủ đề "Phát triển kinh tế và các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, hôn nhân cận huyết thống" tại UBND xã Hoa Thám với 50 hội viên phụ nữ tham gia. Đặc biệt, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Nguyên Bình tham gia Hội thi sân khấu hóa "Mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới" năm 2024, đạt giải Nhất cấp tỉnh.
Phát huy có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới huyện Nguyên Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong gia đình nói riêng. Việc bảo đảm quyền bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu lớn, quyền bình đẳng giới trên các lĩnh vực và trong đời sống gia đình được thực hiện đầy đủ hơn. Tuy nhiên, khoảng cách giới và bất bình đẳng giới còn tồn tại trong một số lĩnh vực như vẫn chịu ảnh hưởng tư tưởng trọng nam khinh nữ; áp lực sinh con trai nối dõi trong gia đình, đây là một vấn đề không mới, nó đã tồn tại trong xã hội Việt Nam từ rất lâu; Định kiến giới truyền thống về vai trò của phụ nữ gắn với công việc chăm sóc gia đình và nam giới vẫn được kỳ vọng trở thành người thành đạt, bảo đảm kinh tế cho gia đình; Vấn đề ly hôn còn tồn tại, ly hôn xanh (sau sau 3 đến 7 năm chung sống)…Những tồn tại, hạn chế này đang tạo ra những rào cản đối với sự lựa chọn các cơ hội phát triển của xã hội, khó khăn để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới của Hội liên hiệp phụ nữ huyện Nguyên Bình, đề xuất thực hiện mốt số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Luật bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho cộng đồng, trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, của cộng đồng, xã hội.
Hai là, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ làm công tác phụ nữ tại cấp cơ sở, nhằm thay nâng cao kiến thức và kỹ năng về tuyên truyền, vận động phục vụ có hiệu quả cho cán bộ tại cơ sở.
Ba là, phải có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm để thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.
. Bốn là, đẩy mạnh giáo dục giới trong hệ thống nhà trường phổ thông, giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề về giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và hệ thống. Từ đó, các em có ý thức, trách nhiêm về bình đằng giới trong xây dựng gia đình và xã hội.
Năm là, chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện bình đẳng giới qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời, tạo dự luận xã hội công khai qua công tác tuyên truyền với những vụ việc vi phạm về bình đẳng giới.
Bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu đạo đức mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển toàn diện của một xã hội. Việc thực hiện những biện pháp trên đòi hỏi sự nỗ lực tất cả cộng đồng trong xã hội để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em, bình đẳng giới và quyền của phụ nữ và trẻ em là một phần quan trọng của phát triển xã hội và kinh tế bền vững. Do vậy, cần có sự quan tâm thích đáng cả về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện giải pháp này góp phần thúc đẩy và thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới ở tại huyên Nguyên Bình nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.